Những người nông dân chăn nuôi bò sữa từng chịu đựng biên lợi nhuận ‘mỏng như tờ giấy’ trong vài năm vừa qua, bây giờ đã có lý do để lạc quan trong năm tới.
Dự đoán của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho năm 2022 cho biết, giá sữa bò có thể sẽ vượt mốc 20 USD-mark- đứng ở mức trung bình 20,25 USD cho mỗi trăm cân (50,8 kg) đối với tất cả các loại sữa, với ước tính giá trung bình loại IV và loại III lần lượt là 18,70 và 17,75 USD.
Nếu dự đoán này trở thành hiện thực, mức tăng giá đối với ba loại sữa sẽ dao động trong khoảng từ 80 cent đến 2,70 USD/trăm cân so với ước tính của USDA vào tháng 11 năm 2021.
Dan Basse, chủ tịch Công ty AgResource ở Chicago cho biết, gần đây tại hội thảo tín dụng ngành hàng nông nghiệp thường niên, có những lý do để lạc quan trong ngành sữa. “Chúng tôi đã mất tám năm để mọi thứ quay trở lại như hồi năm 2014 (nếu giá sữa vượt qua mốc 20 USD).”
Ông Basse ước tính giá sữa loại III và IV có thể lên tới từ 21 đến 23 USD trong năm tới, do nhu cầu tăng cao, nguồn cung ít hơn và áp lực lạm phát. Ngoài ra trong dài hạn, đề xuất thay đổi chính sách nông nghiệp ở Liên minh châu Âu cũng có thể làm chuyển đổi thị trường EU từ một nhà xuất khẩu ròng sang nhà nhập khẩu sữa. “Nhu cầu thế giới đối với các sản phẩm sữa vẫn còn rất cao. Tôi tin rằng xuất khẩu sẽ là động lực tăng giá trong tương lai”, ông Basse cho biết.
Vào năm 2020, Mỹ là quốc gia xuất khẩu sữa tăng trưởng kỷ lục, với khoảng 16% lượng sữa khô được sản xuất trên toàn quốc. Và tỷ trọng này trong năm nay, tính từ tháng 1 đến tháng 9 cũng đã tăng 14% so với tốc độ kỷ lục của năm ngoái.
Ông Basse dự báo: “Khi bước sang năm 2022, chúng ta sẽ có một năm kỷ lục nữa về xuất khẩu sữa. Một trong những nhà nhập khẩu sữa lớn tiềm năng sẽ là Trung Quốc khi họ đang có xu hướng chuyển sang sử dụng nhiều váng sữa hơn như là một chất thay thế sữa cho heo con”.
Tổng đàn bò sữa của Mỹ đã tăng 2% trong khoảng từ năm 2020 đến tháng 7 năm 2021, đạt 9,5 triệu con. Tuy nhiên, chủ tịch Công ty AgResource tin rằng tỷ lệ tăng trưởng này hàng năm có thể giảm, một phần do sức mạnh của thị trường thịt bò, với lượng giết mổ tăng 14%.
“Việc giết mổ bò sữa của Mỹ đang tăng lên. Đó chính là một yếu tố làm tăng trưởng lợi nhuận cho các hãng sữa”, theo ông Basse.
Nhưng liệu tình trạng lạm phát giá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhu cầu đối với các sản phẩm sữa và thịt bò trong thời gian tới?
Theo các chuyên gia phân tích thị trường: “Lạm phát sẽ không sớm chấm dứt mà nó sẽ diễn ra trong khoảng ít nhất là 12-18 tháng tới. Hiện không có dấu hiệu nào cho thấy sự chuyển đổi nhu cầu tiêu thụ protein, trong khi nhu cầu của thế giới đối với các sản phẩm sữa vẫn khá mạnh mẽ”.
Điều đó có nghĩa là nhu cầu về cả pho mát và bơ sẽ đều tăng cao, trong đó riêng nhu cầu bơ toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 7%. “Nguồn cung bơ ở Mỹ rất dồi dào. Hiện nay đó là một cơ hội xuất khẩu vì giá bơ thế giới đang tăng”, ông Basse nói.
Mặt khác lạm phát giá cũng thể hiện một trong những rủi ro lớn nhất đối với ngành sữa trước khi bước sang năm 2022, với chi phí thức ăn chăn nuôi đang ở gần mức cao nhất trong lịch sử.
“Chúng tôi đang lạc quan đối với thị trường sữa. Nhưng, mối quan tâm lớn nhất hiện nay chính là giá thức ăn chăn nuôi. Nó có thể sẽ là ‘gót chân Achilles’ của ngành sữa”, ông Basse nói, đồng thời cho rằng “điều đó mới cần tới năng lực quản lý rủi ro để khóa lợi nhuận biên”.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng sự tăng trưởng tiềm năng trong ngành sữa cũng có thể bị siết chặt bởi các nút thắt trong khâu chế biến, bởi hiện ngành sữa Mỹ đã gần như đạt công suất tối đa (về chế biến) nên đang cần thêm vốn và đầu tư.
Tuy nhiên tựu chung lại, có thể tin rằng nông dân chăn nuôi bò sữa đang ở giữa một chù kỳ lạc quan có thể kéo dài từ 2-3 năm.
Còn nhớ vào đầu quay II năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng khắp nơi, trong khi nhu cầu thế giới ngày càng tăng cao đối với hầu hết các mặt hàng nhu yếu phẩm như bơ, sữa. Tuy nhiên do chuỗi cung ứng sữa bị gián đoạn hàng loạt khiến cho những người nông dân chăn nuôi bò sữa ở Mỹ không thể nào đưa sản phẩm của mình ra thị trường và đành phải đổ bỏ sữa bò hàng loạt. Bên cạnh đó, các hợp đồng xuất khẩu sữa của các hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại lớn cho các thị trường nước ngoài cũng “bỗng dưng biến mất” do khu vực tiêu thụ thực phẩm nói chung và sữa nói riêng, nhất là trường học và bếp ăn tập thể ở khắp nơi trên thế giới hầu hết đều phải đóng cửa.
Kim Long (Journalstar)
Báo Nông Nghiệp Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét