Thân cây bắp sau thu hoạch có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong tất cả các loại phụ phế phẩm từ ngũ cốc, và vì thế nó có tiềm năng lớn trong việc cải thiện dinh dưỡng cho gia súc. Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi (Đinh Văn Cải và cộng tác 1999) thì thân cây bắp sau thu hoạch có 25-26% chất khô; 32% xơ thô; 68,7% NDF; Tỷ lệ tiêu hoá chất hữu cơ: 53,3% và năng lượng trao đổi cho trâu bò: 7,46 MJ/kg chất khô. Cản trở lớn nhất đối với việc sử dụng thân cây bắp sau thu hoạch là khô cứng vì vậy cần thiết bị cán dập, chặt ngắn, phơi khô trước khi cho ăn hoặc phơi khô dùng dần.
Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi trâu bò
Rơm rạ ở nước ta có khối lượng rất lớn nhưng tỷ lệ sử dụng trong chăn nuôi trâu bò còn rất khiêm tốn. Phần lớn chúng được sử dụng làm chất đốt (ở miền Bắc), hoặc đốt trực tiếp ngoài ruộng làm phân bón ruộng, một lượng nhỏ được sử dụng làm nấm rơm (ở miền Nam). Rơm rạ có thể sử dụng như một nguồn thức ăn chính để nuôi trâu bò cày kéo, sinh sản. Rơm rạ còn là nguồn xơ rất tốt để phối hợp với thức ăn nhuyễn, những thức ăn bổ sung đắt tiền khác trong chăn nuôi bò sữa và vỗ béo bò thịt..
Rơm rạ kềnh càng hơn và chất lượng thấp hơn thân cây bắp. Nếu chỉ cho ăn một mình rơm lúa thì gia súc chỉ ăn được một số lượng nhỏ. Rơm lúa rất giàu Kali hòa tan nhưng thiếu Canxi (Ca) có khả năng hấp thu., vì thế gia súc được nuôi dưỡng bằng rơm lúa là chính thì cần phải bổ sung thêm nguồn Ca dễ tiêu. Rơm lúa còn có thành phần lignin thấp (6-7%) nhưng thành phần Silic cao (12-16%) so với các loại phế phẩm cây trồng khác (thường có khoảng 10-12% Silic). Thành phần Silic cao là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ tiêu hóa kém. Phần thân lúa được tiêu hóa nhiều hơn lá vì thế nên gặt lúa ở mức càng thấp càng tốt.
Khẩu phần chủ yếu là rơm lúa với một lượng nhỏ thức ăn bổ sung sẽ làm cho bê tăng trưởng chậm, tuổi đẻ lứa đầu lúc 4-5 năm, còi xương và bò có tỷ lệ đậu thai thấp.
Rơm rạ được ủ với 4-5% urea sẽ làm tăng tỷ lệ tiêu hoá (từ 39 lên 52%) giá trị năng lượng tăng từ 4,74 MJ lên 5,49 MJ/kg chất khô. Khả năng ăn vào cuả trâu bò với rơm ủ cũng cao hơn so với rơm không ủ (2,6kg so với 1,6kg DM/100kg khối lượng).
Bã mía có giá trị năng lượng và protein rất thấp nhưng đây là một nguồn xơ có ích. Có thể sử dụng đến 25% trong khẩu phần bò vắt sữa. Kinh nghiệm vỗ béo bò vàng ở Trung Quốc của Xiaqing Zou và CTV cho thấy có thể vỗ béo bò Vàng bằng khẩu phần thức ăn có: Bã mía (35-41%), rỉ mật (5%) và thức ăn tinh (cám, bắp). Sau 100 ngày vỗ béo đạt tăng trọïng bình quân: 866-921 gam/ngày
Khi ủ phụ phẩm nhiều xơ với urea hoặc bổ sung urea, một nguồn nitơ rẻ tiền vào khẩu phần, sẽ đảm bảo sự gia tăng tỷ lệ tiêu hoá và khả năng ăn vào của gia súc. Tiêu hoá xơ cũng được cải thiện rõ nét khi bổ sung thêm một lượng nhỏ carbonhydrate dễ lên men như rỉ mật, xác mì, khoai lang, cám…
Khi sử dụng nitơ phi protein, lưu huỳnh là yếu tố giới hạn chính đến hoạt động của hệ vi sinh vật dạ cỏ. Một hỗn hợp gồm 90% urea và 10% sulphat natri (Na2SO4) làm cho tỷ lệ N/S được cân bằng. Rơm rạ thường có hàm lượng canxi, phospho và muối thấp. Việc bổ sung coban (Co), đồng (Cu) sẽ cải thiện được khẩu phần dựa trên rơm rạ. Tỷ lệ tiêu hóa của rơm sẽ được cải thiện một cách đáng kể nếu bổ sung 1.5-2% urea, 10% rỉ mật và 0.5% hỗn hợp khoáng (muối, P, Ca, S)..
Phụ phẩm xay sát
Cám gạo có chất lượng rất khác nhau tùy thuộc vào quy trình xay sát. Cám gạo loại tốt thì có ít vỏ trấu nên hàm lượng xơ tổng số thấp (khoảng 6-7%) giá trị TDN khoảng 70% và protein thô từ 13-14%, Năng lượng trao đổi từ 12-12,5 MJ/kg chất khô. Cám gạo chất lượng xấu thì hàm lượng xơ có thể lên đến 20%. Cám gạo loại tốt là một nguyên liệu thức ăn rất có giá trị vói trâu bò, vì vậy giá cám gạo loại tốt cũng rất cao.
Hèm bia, bã rượu có protein thô từ 26%-32% (theo chất khô). Phụ phẩm này được sử dụng ở dạng ướt, khô hoặc ủ ướp chung với rỉ mật và axít hữu cơ. Hèm bia của các nhà máy bia của ta theo phân tích của chúng tôi có 32% protein; 18% xơ (theo chất khô); tỷ lệ tiêu hoá chất hữu cơ đạt 68% và giá trị năng lượng trao đổi 12 MJ/kg chất khô (tương đương với cám gạo loại tốt). Hèm bia vừa giàu đạm, vừa giàu năng lượng nên từ lâu đã được sử dụng phổ biến để nuôi bò sữa. Độ ẩm cao là điều bất lợi chính trong việc dự trữ và sử dụng các loại thức ăn này.
Khô dầu là phụ phẩm sau khi những hạt có dầu được ép vắt hoặc chế biến để lấy dầu. Thí dụ như bánh dầu dừa, đậu phộng, hạt bông vải, cao su… Protein thô của khô dầu dao động từ 20-40%. Khả năng phân giải protein và số lượng dầu phụ thuộc vào phương pháp chế biến. Eùp bằng phương pháp thủ công (ép vít) hàm lượng dầu còn khoảng 10% trong khi với phưong pháp ép kiệt (trích ly) dầu chỉ còn 1%. Chất xơ cũng thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào chế biến và số lượng vỏ hạt.
Khô dầu dừa là nguồn năng lượng và protein có giá trị được sử dụng một cách rộng rãi
Tuy nhiên, khả năng tiêu hoá protein của chúng thấp và thức ăn mau bị ôi khét. Bánh dầu dừa phồng lên nhanh chóng khi thấm nước và có thể sử dụng ở dạng này ở mức 50% trong khẩu phần.
Khô dầu đậu phộng được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Hàm lượng xơ thấp và không có sự hạn chế nào trong việc sử dụng cho gia súc nhai lại
Khô dầu bông vải chứa gossypol không hại đối với bò trưởng thành nhưng khả năng tăng trọng của bò sẽ được cải thiện nếu thêm sulfat sắt vào khẩu phần có nhiều bánh dầu bông vải. Có thể sử dụng 10-15% bánh dầu bông vải trong thức ăn hỗn hợp cho bê, đối với bò thịt có thể sử dụng 30%.
Hạt bông vải nguyên cũng được sử dụng để thay thế một phần thức ăn tinh. Hạt nguyên loại tốt chứa khoảng 20% dầu và 19% protein. Vỏ hạt bông vải chứa nhiều xơ (50% CF) nhưng vẫn có thể sử dụng ở mức 30% trong khẩu phần bò thịt. Thí nghiệm vỗ béo bò thịt của Lê Viết Ly đã thành công khi sử dụng khẩu phần vỗ béo có 2 kg hạt bông+ 2kg rỉ mật+ rơm ủ urea.
Khô dầu đậu nành thường đắt và được sử dụng cho gia súc dạ dày đơn. Vỏ hạt đậu nành chứa 37% CF, 12% CP và giá trị năng lượng tương đương với hạt ngũ cốc là một loại thức ăn có giá trị cho tất cả các loại trâu bò.Một hạn chế chung trong việc sử dụng khô dầu cho chăn nuôi là hàm lượng dầu còn lại trong phụ phẩm cao nên hay bị ôi khét, thời gian bảo quản ngắn. Điểm bất lợi nữa là khô dầu dễ bị nhiễm nấm Aspergillus sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin, đặc biệt là ở khô dầu đậu phộng. Khắc phục được các hạn chế đó, phụ phẩm hạt lấy dầu là nguồn protein có giá trị trong chăn nuôi
Rỉ mật được sử dụng trong chăn nuôi để cải thiện tính ngon miệng, bổ sung một số chất khoáng. Rỉ mật còn được sử dụng như một thức ăn bổ sung năng lượng cho khẩu phần thức ăn thô chất lượng kém. Với một hàm lượng đường dễ lên men cao, rỉ mật như là một nguồn năng lượng rẻ tiền để sử dụng với các loại nitơ phi protein. Các loại khoáng cần được cân đối lại bởi vì trong rỉ mật chứa ít phospho và natri và không đủ lượng lưu huỳnh cho vi sinh vật dạ cỏ hoạt động. Hàm lượng kali trong rỉ mật cao.
Xác mì là phụ phẩm sau khi chiết xuất tinh bột từ củ khoai mì (củ sắn). Xác mì có hàm lượng chất khô thấp (khoảng 20%), rất nghèo protein (1,5-1,6%), hàm lượng xơ thấp (10-11%, tỷ lệ tiêu hoá chất hữu cơ rất cao (92-93%) vì vậy giá trị năng lượng trao đổi đạt tới 13MJ/kg chất khô (Đinh Văn Caỉ và cộng tác 1999). Vì vậy xác mì là một loại thức ăn cung cấp năng lượng rất tốt cho tất cả các đối tượng trâu bò đặc biệt là vỗ béo bò thịt. Tuy nhiên khi sử dụng cần phải được bổ sung protein, khoáng và vitamin vì những thành phần này trong bã củ mì không đáng kể. Nước ta là nước trồng khoai mì, nhiều nhà máy chế biến tinh bột khoai mì mỗi năm cho ra một khối lượng lớn xác mì nhưng mới sử dụng một tỷ lệ rất nhỏ để nuôi trâu bò. lí do chính là khâu bảo quản và vận chuyển. Cần nghiên cứu khả năng giảm hàm lượng nước của xác mì xuống còn 60-65% để dễ dàng áp dụng các phương pháp bảo quản nhằm sử dụng hữu hiệu hơn loại phụ phẩm này.
Bã thơm chủ yếu là vỏ và lõi vì thế chứa nhiều chất xơ, năng lượng và vitamin A nhưng protein và muối khoáng thấp. Do hàm lượng nước cao nên phế phẩm này cần được sử dụng ở gần nguồn của chúng. Chúng có thể làm khô bằng cách phơi nắng hoặc sấy. Có thể áp dụng phương pháp ủ ướp với công thức 65% bã thơm, 20% rơm lúa, 5% bột bắp, 10% rỉ mật và 1,5% urê.
Có một số yếu tố hạn chế việc sử dụng phụ phế phẩm làm thức ăn cho bò. Sự thu gom rất khó khăn do việc thu hoạch thủ công rãi rác ở các hộ nông dân nhỏ; việc cung cấp hầu hết là theo mùa và không đáng tin cậy lắm. Nhiều yếu tố về hóa học và vật lý cũng hạn chế việc sử dụng phụ phế phẩm cho trâu bò. Hàm lượng nước cao gây khó khăn trong vận chuyển, bảo quản và khả năng ăn vào. Một số phụ phế phẩm rất dễ hỏng do hàm lượng dầu và đường cao. Giá trị dinh dưỡng thay đổi nhiều do quá trình chế biến đơn giản và chưa được tiêu chuẩn hóa. Chúng thường xuyên bị nhiễm nấm, vi khuẩn và một số phụ phẩm có chứa độc tố đối với trâu bò. Hầu hết các phụ phế phẩm thiếu một hoặc nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.
Có hai kỹ thuật chính để sử dụng tối đa phụ phế phẩm như một nguồn thức ăn cho gia súc:
Bổ sung một cách thích hợp các chất dinh dưỡng khác để cân bằng sự thiếu hụt trong phụ phế phẩm;
Cần phải được bảo quản theo các phương pháp thích hợp để kéo dài thời hạn sử dụng và để tránh hư hỏng.
Phụ phế phẩm có thể phơi khô, ủ để gia tăng thời gian sử dụng và tránh hư hỏng. Phơi nắng có thể thực hiện đối với một số phụ phẩm nhưng ủ ướp mới là phương pháp đáng tin cậy nhất. Ngoài ra, trong quá trình ủ ướp có thể bổ sung một số thức ăn khác để tạo ra một thức ăn ủ hoàn hảo, cân đối về dinh dưỡng.
Ủ rơm khô với urê
Rơm rạ khô giá trị dinh dưỡng thấp, tiêu hoá kém và trâu bò không ăn được nhiều. Bằng các phương pháp chế biến làm rơm ướt, mềm, tăng giá trị dinh dưỡng, tăng khả năng tiêu hóa và tính ngon miệng. Phương pháp thông thường nhất đang được áp dụng rộng rãi ở các nhước đang phát triển để chế biến rơm rạ cho trâu bò là ủ rơm với urea. Rơm ủ theo phương pháp này còn cung cấp cho trâu bò nguồn đạm phi protein rất có lợi cho vi sinh vật dạ cỏ, vì vậy có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa kinh tế lớn. Kĩ thuật ủ rất đơn giản
Nguyên liệu
Cứ 100 rơm khô cần 40g urea và 80-100 lít nước (tỷ lệ urê 4% và nước so với rơm là 1/1.). Tùy theo lượng rơm cần ủ mà lượng urea và nước cũng tăng theo tỷ lệ trên.
Tấm nilon lớn đủ che kín hố ủ (to hay bé là tùy độ lớn bề mặt hố ủ, sao cho khí amonoac hình thành trong và sau quá trình ủ không thoát ra ngoài).
Bình tưới rau để tưới nước vào rơm khi ủ.
Hố ủ
Hố ủ có thể xây bằng gạch gồm các vách: hố có ba vách, hố có hai vách cạnh nhau hoặc có hai vách đối diện. Nói chung là cần tối thiểu hai vách để nén rơm cho chặt. Có thể lợi dụng góc nhà, tường nhà làm hố ủ rơm. Nền có thể là nền xi măng, gạch hay lót nhiều lớp lá chuối hoặc nilon. Dung tích hố ủ phụ thuộc vào số lượng rơm cần ủ hay quy mô đàn bò.
Cách ủ
Urê pha vào nước theo tỷ lệ trên, khuấy đều cho tan hết, sau đó cho vào bình tưới. Cứ trải một lớp rơm mỏng (20cm) lại tưới nước urê sao cho ướt đều rơm, lấy cào đảo qua đảo lại cho rơm thấm nước urê, dùng chân nén cho chặt, rồi lại tiếp tục trải một lớp rơm và tưới nước, lại nén cho chặt. Làm như thế nhiều lần cho đến khi hết rơm và hết nước. Sau đó phủ tấm nilon lên trên sao cho thật kín, không để khí ammoniac ở trong thoát ra ngoài. Những hố ủ ngoài trời cần có thêm mát tre nưa.
Lấy cho ăn
Sau 7 đến 10 ngày ủ có thể lấy rơm ra cho bò ăn, lấy vừa đủ lượng rơm cần thiết cho từng bữa. Lấy xong đậy kín ngay tấm nilon lại.
Yêu cầu chất lượng rơm ủ
Rơm ủ chất lượng tốt là rơm ẩm đều, mềm, không có mốc xanh mốc trắng mọc, màu rơm vàng nâu gần với màu tự nhiên của rơm trước khi ủ, mùi khai ammoniac.
Rơm ủ thường được trâu bò thích ăn, và ăn được nhiều hơn so với rơm khi chưa ủ. Tuy nhiên một số trâu bò lần đầu tiên không chịu ăn rơm ủ urê, phải kiên trì tập cho chúng quen dần. Lúc đầu cho ăn ít, trộn chung với thức ăn khác, sau đó tăng dần lên.
Vào mùa khô không có cỏ, chúng ta hoàn toàn có thể dùng rơm ủ urea cho bò ăn tối đa (khoảng 10-12kg/ngày), bổ sung thêm muối ăn hoặc đá liếm thì bò tơ vẫn tăng trọng và bò mẹ vẫn béo mập và sinh sản tốt.
Bánh dinh dưỡng
Bánh dinh dưỡng là một dạng chế biến phụ phẩm được ép thành bánh, có thêm chất khoáng và muối. Thành phần chủ yếu cuả bánh dinh dưỡng là rỉ mật. Rỉ mật vừa là chất kết dính vừa là nguồn cung cấp năng lượng, cung cấp khoáng vi lượng. Urea cung cấp nitơ cho vi sinh vật dạ cỏ. Chất độn thường là cám gạo hoặc cám mì, bã khoai mì…Đây cũng là nguồn cung cấp năng lượng. Ngoài ra còn sử dụng chất kết dính khác như vôi, ciment. Bò ăn bánh dinh dưỡng được thêm chất dinh dưỡng, cải thiện môi trường dạ cỏ có lợi cho vi sinh vật tiêu hoá thức ăn vì vậy sẽ có hiệu qủa tốt đối với khẩu phần nghèo dinh dưỡng.
Lợi ích của bánh dinh dưỡng
Cung cấp N phi protein cho vi khuẩn dạ cỏ, nhu cầu này ở gia súc nhiệt đới cao hơn gia súc ôn đới.
Cung cấp rỉ mật là nguồn năng lượng dưới dạng đường dễ lên men, khoáng nên kích thích hệ thống enzym vi sinh vật dạ cỏ hoạt động.
Cung cấp lượng muối, P và S cần thiết cho trâu bò nhưng thường bị thiếu trong thức ăn nhiệt đới.
Yêu cầu chất lượng bánh dinh dưỡng
Các nguyên liệu phối trôn bánh dinh dưỡng phải có chất lượng tốt, không bị mốc hay ôi khét hư hỏng để bảo đảm thành phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Độ cứng thích hợp: không vỡ khi vận chuyển (chịu nén dưới áp lực 5-6 kg/cm2)
Sản phẩm không bị mốc sau 6 tháng bảo quản.
Các chất ảnh hưởng đến độ rắn của bánh dinh dưỡng
Rỉ mật phải có độ Brix trên 85 (đặc). Rỉ mật càng nhiều thì độ cứng càng kém.
Urê và muối ăn hút nước nên cũng ảnh hưởng đến độ cứng.
Đá vôi, xi măng thường được dùng làm chất kết dính.
Để bánh xốp hơn ta dùng một số chất đệm như vỏ đậu phộng xay nhỏ, bột bã mía, rơm xay, bột dây đậu phọâng.
Cách làm bánh dinh dưỡng
Dụng cụ cần thiết nhất là khuôn bánh. Khuôn làm bằng gỗ như khuôn bánh chưng, kích cỡ các chiều tùy ý ta. Có khi khuôn chỉ đơn giản là một cái tô nhưa. Khuôn này phù hợp với quy mô hộ sản xuất theo phương pháp thủ công. Sản xuất ở quy mô vừa cho nhiều bò hoặc cho nhóm hộ thì cần khuôn ép bằng sắt có khả năng nén nguyên liệu trong khuôn vừa nhanh vừa mạnh. Ngoài khuôn còn cần các thiết bị trộn, xô thùng…
Có nhiều công thức làm bánh dinh dưỡng. Công thức đang sản xuất tại Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi Bò sữa như sau: Rỉ mật: 37- 40%, cám gạo: 35- 40%, urea: 5-8%, vôi: 5-7%, xi măng: 4%, Muối: 2%. Hỗn hợp khoáng 2-3%.
Trình tự phối trộn
Trước hết cân chính xác rỉ mật, urea, muối theo tỷ lệ nhất định (xem công thức ở bảng dưới). Hoà tan hết urea và muối vào rỉ mật, goị là hỗ hợp A (hỗn hợp lỏng)
Cân chính xác lượng chất độn (cám…), chất kết dính (vôi, ciment), khoáng… trộn đều tạo thành hỗn hợp B (hỗn hợp khô)
Trộn hỗn hợp A với hỗn hợp B thật nhanh, thật đều cho tới khi đồng nhất thì đưa vào khuôn ép. Quá trình này phải làm nhanh không để hỗn hợp nguôi lạnh sự kết dính sẽ kém. Sau 1 ngày bánh khô ta có thể cho bò ăn hoặc bao gói để dùng dần. Bánh dinh dưỡng làm đúng kĩ thuật đóng trong bao nilon có thể bảo quản đến nửa năm không bị mốc hay chảy nước.
Chú ý kiểm tra độ ẩm hỗn hợp bằng cách dùng tay nắm lại, nếu thấy tạo được hình trong lòng bàn tay, khi buông tay ra không bị rã rời là được.
Cách cho ăn
Để bò liếm gặm nguyên bánh, không bóp nát, bẻ vụn hoặc hoà bánh vào nước cho bò ăn. Vì trong bánh có urea nên cần bò ăn từ từ tốt hơn là ăn một lần. Số lượng bánh cho một bò trưởng thành tùy thuộc vào lượng urea trong bánh. Nếu bánh có 10% urea thì cho ăm 1kg, nếu bánh có 4-5% urea thì cho ăn 2kg bánh cho một con/ngày. Bò tơ cho ăn ít hơn. Tuyệt đối không cho bê con ăn bánh dinh dưỡng có thể sẽ bị ngộ độc urea.
Tảng liếm hay còn gọi là đá liếm cũng làm tương tư như làm bánh dinh dưỡng nhưng thành phần khác bánh dinh dưỡng. Tảng liếm mục đích là cung cấp muối ăn và khoáng chất cho bò nên thành phần chủ yếu là muối ăn, bột xương, hỗn hợp khoáng vi lượng. Đá liếm không có urea nên cho cho tất cả các đối tượng bò và bê sử dụng.
PGS.TS Đinh Văn Cải
Viện Khoa học kĩ thuật Nông nghiệp Miền Nam
Nguồn: vietlinh
Thứ Năm, 2 tháng 5, 2019
Home
/
bã bia 50 đạm
/
bã bia sấy khô
/
bã hèm bia
/
bột lông vũ nhập khẩu
/
bột lông vũ việt nam
/
Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi
Sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong chăn nuôi
bột lông vũ việt nam
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét