CHUYÊN BÁN: BÃ HÈM BIA KHÔ TOÀN QUỐC

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

Cơ chế hỗ trợ lợn bị tiêu hủy cụ thể như thế nào?

Sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại 4 tỉnh, thành là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng và Thanh Hóa, người chăn nuôi lợn hiện khá băn khoăn, lo lắng việc tiêu hủy lợn bị nhiễm bệnh theo quy trình như thế nào để được nhà nước hỗ trợ và mức hỗ trợ bao nhiêu, thời gian bao lâu thì được nhận?
Theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) Phạm Văn Đông, mức hỗ trợ đối với lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn Châu Phi hiện nay áp dụng chung theo mức hỗ trợ quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.
Cụ thể, khoản b, Điều 4 Nghị định 02/2017/NĐ-CP quy định, mức hỗ trợ với chăn nuôi gia súc, gia cầm thiệt hại do dịch bệnh như sau: Hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy là 38.000 đồng/kg đối với lợn. Chiếu theo quy định này hiện 1kg lợn hơi tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn Châu Phi người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 38.000 đồng.
Về quy trình, thủ tục để được nhận hỗ trợ, ông Phạm Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, một trong những địa phương có dịch tả lợn Châu Phi cho biết, bình thường đối với các dịch bệnh khác sau 21 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới sẽ công bố hết dịch nhưng riêng với dịch tả lợn Châu Phi thời gian là 30 ngày.
Tức là sau 30 ngày từ ngày công bố dịch, nếu không phát sinh thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi mới, các cơ quan chức năng, bao gồm Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp (tỉnh, huyện, xã) phối hợp cùng cơ quan chuyên môn thú y, chính quyền địa phương rà soát thống kê, kiểm kê khối lượng, số lượng cụ thể lợn bị tiêu hủy để làm đề xuất hỗ trợ. Nếu mức hỗ trợ không quá lớn sẽ lấy nguồn từ các Quỹ dự phòng dịch bệnh của địa phương. Trong trường hợp nguồn tiền quá lớn sẽ cân đối từ nguồn của thành phố hoặc xin Trung ương hỗ trợ.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên, địa phương đầu tiên phát hiện dịch tả lợn Châu Phi cho hay, nhiệm vụ quan trọng và trước mắt hiện nay của ngành thú y là công tác phòng chống dịch để hạn chế lây lan. Chỉ khi dịch bệnh được khống chế, sau 30 ngày kể từ ngày con lợn nhiễm bệnh cuối cùng bị tiêu hủy, các cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành thống kê, hỗ trợ thiệt hại. Thời gian từ khi thống kê đến khi nhận được hỗ trợ tùy vào quy mô, mức độ của dịch cũng như nguồn ngân sách của các địa phương, nhưng về cơ bản người chăn nuôi sẽ nhận được đầy đủ 38.000 đồng/kg hơi theo quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP.
Các chi phí tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, thuê người vận chuyển, đào hố tiêu hủy, rắc vôi, khử trùng, trang thiết bị bảo hộ… theo ông Nguyễn Quang Tuấn được lấy từ nguồn kinh phí khác, không liên quan hay khấu trừ từ nguồn hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi quy định tại Nghị định 02.

Nguồn tin: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét